Từ truyện “Tôi là Bê Tô” đến “Con chó mang giỏ hoa hồng”, loài vật trong mắt Nguyễn Nhật Ánh luôn có cảm xúc, suy nghĩ, không khác chi con người. Phải chăng “nhà văn của tuổi thơ” còn có biệt tài nghe được tiếng nói muôn loài? Có thể chính xác hơn, ông đã cảm nhận thứ ngôn ngữ ấy bằng tình yêu vô vàn dành cho chúng. Tác phẩm “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ” cũng chưa đựng trọn vẹn tình yêu lớn ấy.
Câu chuyện được kể trong lâu đài của nhà vua Sang Năm, sống cùng hoàng hậu Năm Ngoái và công chúa Dây Leo. Đối với những độc giả lớn tuổi, không khó để nhận ra đây chẳng phải cung điện thực sự (nào đâu có những quan hầu, cảnh vệ, áo mão, ngai vàng…). Nhưng có sao, trong văn học, phóng đại sự vật cũng là một nghệ thuật thường sử dụng. Đối với những độc giả nhỏ tuổi, nhà trong mắt chúng lộng lẫy hơn bất kỳ tòa cung điện nào trên thế giới, dù chẳng có những vàng son.
Nhân vật chính trong tác phẩm là Mèo Gấu, lạ thay, chú là một con mèo không bắt chuột. Sở dĩ, những con mèo khác bắt chuột là cốt để thị uy hay chăng là cho qua những phút rảnh rỗi. Không phải điều gì khiến người khác vui, cũng có thể làm mình vui được, nhất là đối với Mèo Gấu. Đặc biệt là khi chú đang ủ rũ nhớ về tháng ngày bình yên trong quá khứ với nàng Áo Hoa. Dù trời xanh có biến thành gàu cũng chẳng thể tát cho vơi nỗi nhớ nhung, huống chi là trò tiêu khiển vẩn vơ của lũ mèo hoang.
Sau trong lòng cung điện là nơi ở của loài chuột – một bầy chuột nhắt cầm đầu bởi giáo sư Chuột Cống. Ngay từ ấn tượng đầu tiên, độc giả dễ dàng nhận thấy đây là nhân vật phản diện, quả thế, lão chuyên áp bức dân lành – những con chuột nhắt trong bầy. Lão ăn hết kho lương của bầy chuột nhắt, rao giảng công kích loài mèo và buộc toàn thể cộng đồng chuột nhắt nghe theo. Sao cũng là phận chuột, lại đi thống trị lẫn nhau? Ngẫm lại, chuột cũng như người.
Trong suốt chiều dài lịch sử văn minh, chiến tranh, thống trị, xâm lược, đồng hóa… có lúc nào thiếu được? Tuy thế, có áp bức thì có đấu tranh, cuối cùng đều có một “anh hùng” đứng lên đòi lại lẽ công bằng. Trong câu chuyện này, là chú chuột Tí Hon, chú có một động thái khác với tất cả mọi người. Chú không hề như những mãnh tướng “vai 3 thước rộng, thân 10 thước cao”, chú nhỏ xíu, lại què chân. Tất cả những gì Tí Hon sở hữu là tấm lòng lương thiện luôn hướng về cái tốt, chính vì thế chú không đồng tình với ý kiến của giáo sư Chuột Cống, dù bị mắng, bị đánh hay quăng bẹp vào góc tường.
Edmund Burke đã nói: “Cái ác chỉ thực sự chiến thắng khi những người tốt không làm gì cả.”. Cả cộng đồng chuột nhắt bấy giờ mới thức tỉnh, nhưng ủng hộ Tí Hon rõ ràng nhất là Út Hoa. Nếu nàng chuột lang thang không đỡ kịp cho chàng (Tí Hon) cú giáng dữ dằn của giáo sư Chuột Cống, hẳn Tí Hon chẳng còn sống để đấu tranh. Chẳng phải Út Hoa không sợ lão Chuột Cống, mà vì Tí Hon đã cứu giúp nàng lúc nàng cô đơn, yếu ớt nhất.
Ân nghĩa báo đáp, còn quản khó khăn? Song chỉ bằng sức hai chú chuột nhỏ mà đối phó với lão Chuột Cống khác gì bọ ngựa đá xe. Lão chẳng hề tốn sức trong việc đè bẹp sỹ khí vừa nhen lên khi ra lệnh cho Tí Hoc và Út Hoa chọc giận Mèo Gấu – một việc làm gần như định sẵn tội chết trong thế giới loài chuột. Thế nhứng, người xưa có câu: “Trong họa có phúc”, đâu ai ngờ rằng hình phạt ấy lại chính là lần gặp gỡ đầu tiên của hai tri kỷ.
Việc 1 chuột, 1 mèo thân nhau chỉ có thể tìm thấy trong tiểu thuyết Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng có lẽ chính tình yêu và sự đồng cảm đã gắn kết hai tâm hồn nghệ sĩ lại với nhau, bất kể sự khác biệt giống loài. Những câu thơ của Mèo Gâu đã nói hộ lòng Tí Hon tình yêu dành cho Út Hoa, còn bức tranh của Tí Hon làm vơi đi nỗi nhớ của Mèo Gâu với Áo Hoa. Trên phượng diện này, nghệ thuật đóng vai trò như phương tiện để cả hai có thể đối diện với những nối lòng sâu kín nhất của bản thân.
Cuộc đấu tranh đã lên đến đỉnh điểm khi giao sư Chuột Cống đã động đến Út Hoa. Thực sự, Tí Hon vẫn có thể nhẫn nhịn thêm vài câu chửi mắng của lão, thậm chí là vài trận đòn. Song khi đã làm tổn thương người chú yêu thương thì Tí Hon bỗng chốc hóa Khổng Lồ. Chú liều mạng tấn công lão chuột mặc thân hình nhỏ bé, không toàn vẹn của chú. Sự dũng cảm thực sự chỉ xuất hiện trong một trái tim biết yêu thương. Không chỉ thế, cú húc đầu của chú đã thức tỉnh cộng đồng chuột nhắt. Họ nhận ra: “Hắn đã đè đầu chúng ta quá lâu rồi.” Hết thảy mọi cuộc đấu tranh, trước sau đều cần vũ lực để giành chiến thắng – lịch sử đã cho thấy điều đó. Và trên hết, kẻ độc tài chả bao giờ thống trị được lâu.
Lại nói về Mèo Gấu, một sáng nọ, đang thiu thiu sưởi nắng, tiếng chim hót như đánh thức 1 bản năng vốn đã ngủ yên trong lòng con mèo. Quyển sách sẽ dừng lại ở đây, nếu Mèo Gấu vồ chết con chim Họa Mi tội nghiệp. May thay, Tí Hon đã ngăn lại kịp lúc, và đồng thời cũng hóa giải vấn đề nan giản bấy lâu của mèo lẫn chuột: Mèo Gấu sẽ bị đuổi khỏi nhà nếu không làm lũ chuột yên lặng hằng đêm. Mà kêu là bản tính của loài chuột.
Nếu có thể nhờ Họa Mi dạy chúng hót, vậy chẳng phải sẽ vui tai hơn sao? Trải qua sự khổ luyện, cuối cùng lũ chuột nhắt đã có thể “hót” – điều trái hẳn với quy luật muôn loài. Song, khi có đủ quyết tâm thì còn khó khăn nào có thể ngăn cản ta thực hiện được điều mình mong muốn?
Khung cảnh cuối cùng, có lẽ là đẹp nhất câu chuyện, có lẽ cũng buồn nhất truyện. Đây là lần đầu tiên, tôi nhận ra kết thúc của Nguyễn Nhật Ánh lại hoàn toán trái với những gì độc giả mong đợi. Khi gấp lại cuốn sách, khắc họa sâu sắc trong tâm trí là hình ảnh Mèo Gấu nhìn chằm chằm lên nóc nhà, nơi Áo Hoa đang đứng đó cùng một chàng mèo khác có đôi mắt xanh lơ, cô đến, chỉ để nhìn xem Mèo Gấu giờ sống ra sao và gặp lại có lẽ là lần cuối. Tuy không nói một lời, nhưng Mèo Gấu cũng đủ tinh tế để hiểu ra tất cả. và thôi nhung nhớ.
Trong màn đêm ấy, Tí Hon và Út Hoa cất cao tiếng chim họa mi, hòa âm cùng bầy chuột nhắt. Mọi kỷ niệm ký ức về con mèo tam thể ùa về rồi tan biến như mây khói. Bài thơ đầu trang sách ngờ đâu lại là những con chữ cuối cùng của thi sỹ Mèo Gấu.
Tình yêu cớ gì?
Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ
Một con ngồi yên, một con đổi chỗ.
Lời thơ ban đầu như của một anh mèo lãng du nghêu ngao ngâm chẳng một ý nghĩa. Cũng vẫn câu từ ấy, lại thấy lòng nao nao. Tình yêu mãi để lại một vết thương chẳng bao giờ khép miệng, nó liên tục rỉ máu, ngay cả với những lời mong manh nhất.
Câu chuyện đẹp như cổ tích ấy kết thúc bằng một nỗi buồn như vậy đấy. Tuy nhiên, cũng chính tình yêu đã khiến Mèo Gấu hành động thay đổi bản thân và những điều xung quanh theo cách không ai ngờ được. Yêu thương, dù nhuốm buồn thương nhưng vẫn tạo nên những diệu kỳ.
Chia sẻ by Thanh Duy